• KHAI THÁC DU LỊCH SÔNG NƯỚC TỪ THẾ MẠNH SẴN CÓ

    View: 707

    Loại : Khu di tích - Lịch sử

    Thuộc loại : Du lịch Hậu Giang

    Ngày đăng: 2023-10-12 13:25:55

    Mô tả chi tiết

    Tận dụng thế mạnh vùng sông nước để phát triển du lịch là một trong những định hướng đúng, giúp Hậu Giang từng bước định hình và xây dựng những sản phẩm đặc thù, tạo nét riêng ấn tượng.

    Thêm cơ hội để phát huy tiềm năng

    Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó có lĩnh vực du lịch, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn, để tiếp tục có thêm nhiều điều kiện khai thác và phát huy lợi thế về hệ thống sông ngòi, kênh rạch, qua đó xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, xây dựng sản phẩm du lịch mới, tăng tính trải nghiệm. Hình thành dịch vụ từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, còn là việc liên kết, xây dựng các tua nội tỉnh và liên tỉnh, đầu tư hạ tầng, dịch vụ du lịch, để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ phát triển du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

    Yêu cầu đặt ra là phát triển du lịch đường thủy gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy hoạch của tỉnh...

    Kênh xáng Xà No được xem là “Con đường lúa gạo” của vùng Tây sông Hậu, là tuyến đường thủy quốc gia Cà Mau - Thành phố Hồ Chí Minh. Đây còn là tuyến huyết mạch bắt nguồn từ ngã ba Vàm Xáng của sông Cần Thơ, đoạn qua Phong Điền, tới ngã ba sông Ba Voi (Hậu Giang), trước khi đổ ra sông Cái Lớn (Kiên Giang). Trên đoạn đường khoảng 40km đó, nét độc đáo chính là cảnh quan, đặc biệt là đoạn ngang trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang.

    Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Chúng tôi đã thấy được nếu khai thác thế mạnh vùng sông nước, du lịch Hậu Giang sẽ thêm khởi sắc. Từ đó, chúng tôi tổ chức chuyến khảo sát tuyến du lịch trên kênh xáng Xà No, gặp gỡ các chuyên gia, đơn vị lữ hành để lắng nghe những chia sẻ, định hướng xây dựng tua, tuyến trên tuyến sông. Chúng tôi mạnh dạn tham mưu xây dựng kế hoạch này và cũng nhiều lần tham khảo các ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương để cho kế hoạch có chiều sâu và sát thực tế. Kế hoạch được ban hành tiếp tục là điều kiện để du lịch phát triển từ việc tận dụng lợi thế, tiềm năng để khai thác”.

    Khi có kế hoạch bài bản, căn cơ sẽ khai thác thành công

    Sản phẩm du lịch đường sông luôn có sức hấp dẫn riêng, từng nhiều lần khảo sát các điểm đến Hậu Giang, ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nhận định: Hậu Giang đang đi đúng hướng khi từng bước khai thác thế mạnh, tiềm năng để phát triển du lịch. Câu chuyện về kênh xáng Xà No từ khi được đào cách đây hơn trăm năm, câu chuyện về địa danh Xà No, câu chuyện lịch sử trong trang sách của nhà văn Sơn Nam... Tất cả đều là sự khác biệt và độc đáo không giống bất cứ nơi đâu. Để trở thành sản phẩm du lịch, đòi hỏi có sự vào cuộc quyết liệt, sự hợp tác của các đơn vị lữ hành, truyền thông và điều quan trọng nhất là góc nhìn mới lạ, khác biệt để tạo nên điểm nhấn của những người làm du lịch”.

    Trong kế hoạch phát triển du lịch đường thủy, khai thác tuyến kênh xáng Xà No là ưu tiên hàng đầu và được thực hiện ngay, cùng với việc xây dựng bến tàu, trên tuyến sông Cái Côn gắn với Chợ nổi Ngã Bảy.

    Phấn đấu giai đoạn 2025-2030 sẽ có 2 bến tàu trên tuyến kênh xáng Xà No và tuyến dọc sông Hậu, hình thành đội tàu phục vụ khách du lịch trên tuyến du lịch đường thủy; liên kết các tuyến du lịch đường thủy với các tỉnh, thành lân cận như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang... Từ đó, 3 sản phẩm du lịch chính sẽ được tập trung đầu tư là tuyến du lịch kênh xáng Xà No, tuyến sông Cái Côn gắn với Chợ nổi Ngã Bảy và tuyến gắn với sông nước miệt vườn, bảo tồn cảnh quan đặc trưng sông nước dọc sông Hậu.

    Nhiệm vụ và giải pháp cũng đã được đặt ra, từ việc phát triển sản phẩm du lịch đến đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ cho các sản phẩm này đồng thời đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch đường thủy. Công tác tuyên truyền, quảng bá cũng được đặc biệt quan tâm, vừa tăng cường tuyên truyền, quảng bá sâu rộng, vừa phối hợp với các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh kết nối tua, tuyến du lịch đường thủy kết hợp với đường bộ đưa khách tham quan các vườn cây ăn trái, các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống...

    Kinh phí để thực hiện kế hoạch này là trên 58,5 tỉ đồng, kinh phí được tính toán cụ thể sẽ là điều kiện quan trọng, để từng nội dung trong kế hoạch được thực hiện thuận lợi, bài bản, đúng tiến độ thời gian và đạt chất lượng theo yêu cầu.

    Trung tuần tháng 11 tới, tàu du lịch Xà No hoạt động trở lại

    Lãnh đạo tỉnh vừa cùng các sở, ngành có liên quan, đã có chuyến kiểm tra thực tế việc sửa chữa, cải tạo lại tàu du lịch Xà No, tại Xưởng cơ khí thuộc Công ty TNHH MTV 622, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Tàu du lịch Xà No sẽ được sơn, sửa, cải tạo không gian từng tầng, tổng kinh phí sửa chữa và trang thiết bị hơn 2,2 tỉ đồng. Đảm bảo trung tuần tháng 11 tới, tàu hoạt động trở lại, chuẩn bị phục vụ cho các sự kiện lớn, sẽ diễn ra vào dịp cuối năm.